Khó khăn trong xử lý chất thải
Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết cả nước hiện có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động.
Toàn cảnh hội thảo |
Lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước bình quân khoảng 16 triệu tấn, lượng bã thải gyps (bã thải thạch cao phát thải do quá trình sản xuất phân bón, hóa chất) khoảng 1,3 triệu tấn.
Hiện nay, lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ đáng kể, song lượng xử lý và tiêu thụ bã thải gyps vẫn chưa như kỳ vọng. Ước tính lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2022 tại ba nhà máy sản xuất phân bón DAP là khoảng 12,7 triệu tấn, trong đó tại DAP Đình Vũ là khoảng 3,5 triệu tấn.
Riêng Nhà máy DAP Đình Vũ thuộc Công ty cổ phần DAP – Vinachem (Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An) là dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định đầu tư, tổng vốn 172,3 triệu USD, với nhiệm vụ chế biến sâu quặng apatit thành phân bón chất lượng cao. Nhà máy hoàn thành tháng 4/2009, sử dụng công nghệ chế biến một tấn phân bón DAP thải ra ba tấn bã thải gyps.
Từ năm 2009 đến năm 2022, DAP – Vinachem đã phát sinh hơn 4,7 triệu tấn bã thải gyps. Để xử lý, năm 2010, DAP – Vinachem hợp tác với Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường thành lập Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ để chế biến bã gyps thành thạch cao PC làm phụ gia xi măng.
Thực tế, thời gian qua, DAP – Vinachem đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý chất thải. Đơn cử, năm 2010, Công ty DAP đã phối hợp với Công ty CP Sông Đà Cao Cường, thành lập Công ty CP Thạch Cao Đình Vũ, nhằm triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thạch cao làm phụ gia xi măng.
Nhà máy biến thạch cao PG làm phụ gia xi măng của Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đã đi vào hoạt động chính thức từ quý IV/năm 2017 với quy mô công suất xử lý 750.000 tấn/năm để chế biến thạch cao làm phụ gia xi măng. Sản phẩm của nhà máy đáp ứng Tiêu chuẩn TCVN 11833:2017 thạch cao PG dùng làm phụ gia xi măng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty DAP – Vinachem Hải Phòng báo cáo tại hội thảo |
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ hiện nay đã được 28 nhà máy xi măng trong nước ký hợp đồng đưa vào sử dụng, từng bước thay thế thạch cao nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngoài ra, để tăng cường thêm giải pháp tiêu thụ thạch cao, nhằm giảm lượng tồn trữ tại bãi chứa, năm 2017, Công ty DAP đã hợp tác với Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty DAP làm vật liệu san nền. Đến năm 2019, công tác nghiên cứu giai đoạn 1 trong phòng thí nghiệm đã hoàn thành và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu thông qua báo cáo kết quả của đề tài.
Nhiều đại biểu đề xuất ngoài chế tạo thành chất phụ gia cho sản xuất xi măng thì bã gyps có thể làm vật liệu san lấp, đắp nền đường. Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, đánh giá đây là biện pháp xử lý nhanh nhất nhưng cần nghiên cứu, thử nghiệm thêm, trước mắt có thể áp dụng với những con đường nhỏ ở nông thôn.
Ông Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Ông Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng các nghiên cứu gần đều cho thấy bã gyps không phải chất thải nguy hại, nhưng để áp dụng làm vật liệu san lấp, đắp nền đường thì cần có hướng dẫn kỹ thuật cũng như văn bản cho phép của các bộ, ngành.
Cần ban hành hướng dẫn sử dụng bã thải làm vật liệu san nền
Đánh giá được tầm quan trọng của việc tái sử dụng các loại phế thải công nghiệp này, ngày 23/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696 QĐ- TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; Ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đây mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; và gần đây nhất Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng kiến nghị, phải đẩy mạnh xử lý, sử dụng sản phẩm thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp tích cực nghiên cứu, tìm các giải pháp xử lý bã gyps thành thạch cao PG với chi phí ngày càng rẻ hơn. Tìm các giải pháp đưa thạch cao PG vào làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng với khối lượng ngày càng lớn hơn, đảm bảo hài hòa các yếu tố kinh tế – kỹ thuật – môi trường; Chủ đầu tư các dự án giao thông, các công ty tư vấn thiết kế sử dụng thạch cao PG đạt chuẩn làm vật liệu san lấp, vật liệu đắp nên đường thay thế vật liệu truyền thống khai thác từ thiên nhiên…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty DAP – Vinachem Hải Phòng kiến nghị, Bộ Xây dựng sẽ đẩy nhanh tiến độ ban hành chỉ dẫn kỹ thuật chế biến, sử dụng bã thải thạch cao PG này làm cốt nền đường giao thông, vật liệu san nền mới giải quyết được lượng tồn trữ bãi chứa.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ tại hội thảo |
Đối với kiến nghị này, ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ có báo cáo cụ thể với UBND thành phố để thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu giải pháp sử dụng loại vật liệu này.