Số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, từ đầu năm 2023, tổng cầu thế giới vẫn ở mức thấp, đây là thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản xuất sản phẩm điện tử trên địa bàn tỉnh.
Tháng 2/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Ninh giảm 15,6% |
“Chỉ số IIP tháng 2 giảm nhiều chủ yếu do ngành sản xuất sản phẩm điện tử là ngành trọng điểm của tỉnh giảm nhiều (-19,27%), sản xuất không đạt được như kỳ vọng do lượng hàng tồn kho nhiều, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, dẫn đến sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu chững lại”, báo cáo nêu.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, IIP toàn tỉnh Bắc Ninh giảm 9,05% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (-9,12%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-1,98%). Đây là mức giảm sau 3 năm liên tiếp đạt mức tăng; đồng thời là mức giảm khá nhiều so với mức giảm năm 2019 (-2,02%).
Theo ông Vũ Minh Giang – quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh: Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu chậm lại làm sản lượng sản xuất giảm xuống, đồng thời kéo theo lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm.
Cụ thể, số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp (tính đến ngày 1/2/2023) giảm 1,27% so với tháng trước và giảm 7,68% so với tháng cùng kỳ.
Cũng tại thời điểm trên, xét theo ngành cấp I: Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-1,29%) so với cùng thời điểm tháng trước và (-7,74%) so với cùng thời điểm năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, giữ nguyên và tăng nhẹ (+0,9%)… Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 8,4% so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội địa phương 2 tháng đầu năm nay, ông Vũ Minh Giang cho hay: Trong 2 tháng, các số liệu thống kê nêu trên cho thấy kinh tế của tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chính, như: Môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm cầu xuất khẩu, do đó sản xuất công nghiệp của tỉnh bị giảm xuống.
Ngoài ra, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng vẫn là thách thức lớn trong điều hành kinh tế; bất động sản trong tỉnh giảm rõ rệt, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có những kết quả khả quan, như: Xuất khẩu trong tháng 1/2023 mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng dẫn đầu cả nước (cao hơn TP. Hồ Chí Minh 0,7 tỷ USD); số doanh nghiệp đăng ký mới 2 tháng đầu năm tăng cả về số lượng doanh nghiệp và tổng vốn đầu tư cũng như quy mô vốn đầu tư của 1 doanh nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và vận tải tăng mạnh; thu hút bước đầu FDI đạt được kết quả tốt tăng rất nhiều về số dự án và vốn đăng ký mới; đặc biệt thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao. Ngoài ra các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện.
Tháng 2/2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của Bắc Ninh tăng 8% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng năm trước. Về thu hút đầu tư FDI, số lượng dự án và vốn đăng ký mới tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp gần 2 lần về số dự án đăng ký mới và gấp 3 lần về vốn đăng ký mới… Điều này cho thấy Bắc Ninh vẫn được nhà đầu tư quan tâm, đánh giá là điểm hấp dẫn, ổn định với môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, an toàn.