Ngành công nghiệp tái chế: Tương lai và góc nhìn từ Nhựa Duy Tân

Ngành công nghiệp tái chế: Tương lai và góc nhìn từ Nhựa Duy Tân | Báo Công Thương
Rate this post

Lãng phí lớn từ không tái chế hết rác thải

Theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam – cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, một lượng bao bì nhựa trị giá 80 – 120 tỷ USD/năm bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế. Ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt.

Tuy nhiên, ngành kinh tế rác của Việt Nam đã có tín hiệu khả quan khi đầu năm 2022, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Tập đoàn Nhựa Duy Tân) đã công bố một khoảng đầu tư lên đến 60 triệu USD.

Ngành công nghiệp tái chế: Giá trị hàng tỷ USD Việt Nam đã sẵn sàng?
Rác thải không được tái chế vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường

Ông Huỳnh Ngọc Thạch – Giám đốc điều hành Công ty Nhựa tái chế Duy Tân – cho biết: “Mục tiêu mà công ty hướng đến là hoàn thành dự án tái chế 100.000 tấn rác thải nhựa/năm vào năm 2026 nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 10 nước xả nhiều rác nhựa ra biển nhất thế giới”.

Khoản đầu tư 60 triệu USD để Duy Tân xây dựng nhà máy tái chế nhựa tại Long An -là số vốn khổng lồ so với ngành công nghiệp tái chế vẫn còn manh mún và lạc hậu của Việt Nam.

Không chỉ đầu tư xây dựng nhà máy tái chế, Duy Tân còn tích cực tham gia các hoạt động, sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, từ hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Chi hội Nhựa tái sinh, cho tới việc chăm lo sinh kế, hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức trong hệ sinh thái thu gom, xử lý rác thải.

Kế hoạch đầu tư cho hoạt động của Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2020 – 2021 với tổng đầu tư 20 triệu USD cho sản lượng 20.000 tấn/năm; giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện vào năm 2022 – 2023 tổng đầu tư 20 triệu USD và đẩy mạnh sản lượng 60.000 tấn/năm; giai đoạn 3 từ năm 2024 với tổng đầu tư 20 triệu USD cho sản lượng 100.000 tấn/năm.

Ngành công nghiệp tái chế: Giá trị hàng tỷ USD Việt Nam đã sẵn sàng?
Bên trong nhà máy triệu USD của Duy Tân

Tính đến nay, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế Bottles to Bottles (chai ra chai) – dùng chai nhựa cũ tái chế thành hạt nhựa – để làm nguyên liệu sản xuất chai nhựa mới” – ông Thạch chia sẻ.

Cơ hội lớn

Để có nguồn nguyên liệu đầu vào nhà máy, Duy Tân đã gây dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý đạt chuẩn, thực hiện thu mua, phân loại và đóng kiện các chai nhựa đã qua sử dụng. Mỗi ngày, Duy Tân thu mua 60 tấn vỏ chai đã qua sử dụng, số lượng lên tới 20.000 – 22.000 tấn/năm – một con số có ý nghĩa lớn với môi trường.

Ngành công nghiệp tái chế: Giá trị hàng tỷ USD Việt Nam đã sẵn sàng?
Hàng chục tấn rác thải nhựa mỗi ngày được Duy Tân thu mua và đưa vào tái chế

Theo kế hoạch, Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân sẽ sản xuất khoảng 100.000 tấn hạt nhựa/ năm khi đã hoàn thành giai đoạn 2, 3 và không chỉ dừng ở nhựa PET như giai đoạn 1 mà còn có nhựa PP, HDPE. Lúc đó, sẽ có thêm rất nhiều vỏ chai nhựa và nhiều sản phẩm khác từ nhựa, như bàn ghế, tủ quần áo… được thu gom và tái chế để giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh để sản xuất sản phẩm mới. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm được lượng dầu mỏ sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

Thực tế, trên thế giới, với công nghệ Bottles to Bottles, một số quốc gia đã tái chế được một sản phẩm lên đến hơn 50 lần, tức là kéo dài vòng đời của vật liệu nhựa lên hơn gấp 50 lần. Sở hữu công nghệ tái chế tiên tiến giúp Duy Tân tự tin trong “cuộc chơi” mới.

Ông Thạch chia sẻ, tái chế là “mắt xích” quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn, xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như thế giới. Ngành tái chế và kinh tế tuần hoàn cũng đang được thúc đẩy tích cực với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Ông Thạch nhận định, ngành tái chế có nhiều rủi ro, khả năng sinh lời thấp, đặc biệt khi phải đầu tư lớn. Hiện, Nhà máy Nhựa tái chế của Duy Tân trong năm 2022 có công suất khoảng 30 nghìn tấn. Mục tiêu của Duy Tân đến năm 2026, nhà máy sẽ hoạt động hết công suất là với 100 nghìn tấn.

Ngành công nghiệp tái chế: Giá trị hàng tỷ USD Việt Nam đã sẵn sàng?
Trong năm 2022 có công suất của nhà máy đạt khoảng 30 nghìn tấn rác tái chế

Công ty định hướng ngay từ đầu là nhà máy không rác thải, bao gồm rác thải rắn, khí thải và nước thải. Hiện tại, Duy Tân đang đầu tư tái sử dụng 80% nước thải trong nhà máy, cố gắng để thời gian tới đạt đến 100%.

Mặc dù Duy Tân được coi là doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư công nghệ hiện đại cho tái chế rác thải nhựa, tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, hoạt động tái chế hiện nay của Việt Nam còn nhỏ lẻ, công nghệ sử dụng lạc hậu, sản phẩm tái chế có chất lượng thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Riêng những doanh nghiệp tái chế chất thải nhựa lớn sử dụng công nghệ hiện đại nhưng tập trung tái chế các phế phẩm nhựa trong sản xuất, chưa mạnh dạn thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, rào cản về chính sách tài chính, đơn giá xử lý tái chế rác thải sinh hoạt còn thấp, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia cũng như nguồn cung không đều và có nhiều rủi ro từ khi vực phi chính thức. Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa, không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế…,

Ước tính, chỉ khoảng 33% trong số 3,9 triệu tấn hạt nhựa tiêu thụ tại Việt Nam được tái chế hàng năm. Việt Nam thiếu một thị trường thứ cấp mạnh mẽ cho nhựa tái chế. Để ngành tái chế rác thải nhựa của Việt Nam trở thành ngành kinh tế tỷ USD, rất cần những chính sách đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, Chính phủ có thể đóng vai trò chủ đạo bằng cách thực hiện mua sắm công xanh (GPP) và dán nhãn các sản phẩm nhựa tái chế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0988 619 391